Bảo tàng Lịch sử Huế: “Ăn nhờ ở đậu” đến bao giờ?
VH- Mặc dù đề án chuyển Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đến vị trí mới đã được nhiều nhiệm kỳ HĐND tỉnh thông qua, nhưng cho đến nay thiết chế văn hóa quan trọng này vẫn trong tình cảnh “ăn nhờ ở đậu” tại khu di tích Quốc Tử Giám, làm cho phòng trưng bày, kho bảo quản hiện vật đều trong tình trạng xuống cấp.
Nơm nớp lo sợ
Được thành lập cách đây 35 năm, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều tài liệu quý hiếm. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất nên không ít hiện vật phải nằm phơi sương phơi gió; có hiện vật phải đặt giữa các hành lang lối đi của các phòng ban, gây phản cảm trong mắt du khách. Mỗi khi mùa mưa, cán bộ của Bảo tàng lại nơm nớp lo sợ vì tình trạng thấm dột từ kho bảo quản cho đến phòng làm việc. Không ít lần, bảo tàng phải sử dụng những tấm ni-lông cỡ lớn để trùm che hiện vật.
Sở dĩ hàng chục hàng ngàn hiện vật lâm vào thực cảnh trên là bởi suốt mấy chục năm qua, Bảo tàng phải “ăn nhờ ở đậu” ngay trong di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế). Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng cho biết, mặc dù cơ sở vật chất của Bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm qua nhưng việc sửa chữa không hề đơn giản. Không chỉ khó khăn về kinh phí mà còn do Bảo tàng ở ngay trên di tích nên công tác nâng cấp, sửa chữa, tu bổ rất phức tạp vì phải thông qua đơn vị quản lý di tích, rồi còn xin phép nhiều cơ quan chức năng.
Đề án di dời Bảo tàng này đến địa điểm mới đã được nhiều nhiệm kỳ của HĐND tỉnh thông qua nhưng vẫn đang giẫm chân tại chỗ. Cách đây 6 năm, địa phương có phương án di dời đến khu Tượng đài Quang Trung (ở núi Bân, phường An Tây, TP Huế) nhưng không được thực hiện. Gần đây, địa điểm mới nhất được quyết định là sẽ chuyển đến số 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP Huế), do Tiểu đoàn 19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý. Sau khi có văn bản đồng ý của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở VHTT tiếp nhận diện tích 7.500m2 từ địa chỉ này để xây dựng cơ sở cho Bảo tàng.
Nhiều hiện vật của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đang phải nằm giữa trời do không có nơi bảo quản
Nhìn thế thôi nhưng không dễ dàng
Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản số 1476/UBND-XDHT về việc thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng doanh trại Tiểu đoàn huấn luyện cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh tại thôn Hải Cát (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà). Nguồn kinh phí bố trí trong năm 2017 - 2018 trình HĐND tỉnh là
26,9 tỉ đồng. Sau khi Tiểu đoàn có địa điểm mới sẽ tiến hành đầu tư hình thành các thiết chế văn hóa phù hợp để Bảo tàng Lịch sử tổ chức trưng bày, phục vụ nhu cầu văn hóa nghệ thuật cho nhân dân địa phương và du khách. Việc di chuyển Bảo tàng Lịch sử về nơi mới cũng sẽ tạo điều kiện để trả lại không gian mở rộng phạm vi trưng bày cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Lãnh đạo Bảo tàng nhìn nhận, nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng tại địa điểm nói trên là 34 tỉ đồng và để cải tạo, nâng cấp và di chuyển Bảo tàng đến “nhà mới” này cũng phải tốn ít nhất 20 tỉ đồng. Nên kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2019 không phải dễ dàng nếu nguồn lực kinh phí địa phương gặp khó khăn. “Khi có quyết định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về thống nhất giao đất, chúng tôi đã rất vui mừng. Không phải mừng vì được về “nhà mới” mà vì Bảo tàng đã được đối xử công bằng. Nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung có trụ sở Bảo tàng rất khang trang trong khi ở Huế có rất nhiều hiện vật quý nhưng lại thiếu điểm trưng bày, khó nơi bảo quản. Đáng lẽ ra việc trả lại không gian cho di tích Quốc Tử Giám phải được thực hiện từ lâu rồi”, ông Hùng chia sẻ.
Sơn Thùy